Hiện nay, trước trào lưu cách mạng tự do, dân chủ đang thổi mạnh trên thế giới, để đánh lạc hướng, giới lãnh đạo và trí thức cộng sản đưa ra những luận điệu :
« Chỉ có người cộng sản mới có thể giật sập chế độ cộng sản. » hay
« Phải nghĩ đến những chương trình kế hoặch hậu cộng sản, vì hậu cộng sản quan trọng hơn là giật sập cộng sản. »
Tiếc rằng một số người, mặc dầu là quốc gia, chống cộng thật sự, nhưng lại tin vào những luận điệu trên.
Chúng ta hãy cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề.
I ) Phải chăng chỉ có người cộng sản mới có thể giật sập chế độ cộng sản, và những người khác thì không ?
« Chỉ có người cộng sản mới có thể giật sập cộng sản « , câu này được đưa ra như một định lý và hơn thế nữa như một định đề, kiểu định đề tóan học Euclide : « Trong một mặt phẳng, từ một điểm ngoài một đường thẳng, người ta chỉ có thể kẻ một đường thẳng duy nhất song song với đường thẳng trước. » Đây là quan niệm của những người tôn thờ chủ nghĩa khoa học, trong đó có K. Marx và những người cộng sản, vào những thế kỷ trước ; nhưng đã lỗi thời, vì ngày hôm nay người ta thấy nhiều hạn chế của khoa học, hơn thế nữa, khoa học nhân văn không phải là khoa học chính xác, đưa ra những định lý, định đề đều lâm vào tình trạng hoặc ước đoán, hoặc võ đoán.
Xét sự sụp đổ của đế quốc độc tài tả cộng sản Liên sô, những nước độc tài tả cộng sản Đông Âu và ngày hôm nay những nước độc tài hữu Bắc Phi và Trung Đông, chúng ta thấy gì ?
Không ai chối cãi rằng ông Gorbatchev đã đóng một vai trò trong việc sụp đổ chế độ độc tài cộng sản Liên sô. Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân trong nhiều những nguyên nhân khác.
Nguyên nhân xa bắt nguồn tư lý thuyết vô cùng không tưởng của K. Marx, cộng thêm chế độ độc khuynh, độc đảng, độc tài bởi Lénine, làm cho nhà nước cộng sản ít khả thế ứng phó, càng ngày càng xa rời và đàn áp dân, vì áp dụng lý thuyết không tưởng, ngay ở trong quan niệm bãi bỏ quyền tư hữu, làm cho dân chống đối, đưa kinh tế đến chỗ trì trệ, lâm vào cảnh « cha chung không ai khóc, ruộng chung không ai cày « , đưa đến chỗ « gọt chân để đi vừa giày «, làm cho xã hội cộng sản trở nên bệnh hoạn. Đấy là chưa nói K. Marx đã lầm cho rằng quyền tư hữu có thể bãi bỏ, nhưng quyền tư hữu không thể bãi bỏ, mà chỉ có thể chuyển nhượng. Đảng cộng sản sau khi cướp được chính quyền đã tước đoạt quyền tư hữu của toàn dân, rồi trao vào tay một thiểu số đảng đoàn cán bộ, chẳng hạn trước đó tôi có một cái nhà, một cái xe hơi do mồ hôi nước mắt làm nên, nay sau khi cộng sản cướp được chính quyền, lấy xe nhà của tôi, nói là bây giờ thuộc về nhà nước, thuộc về toàn dân, nhưng trên thực tế là cái nhà và chiếc xe đó thuộc về một ông cán bộ cộng sản. Chính vì vậy mà xã hội cộng sản, theo nguyên tắc là một xã hội công bằng, nhưng trên thực tế là một xã hội vô cùng bất công. Hiện trạng của 2 nước cộng sản Trung cộng và Việt Nam chứng minh quá rõ ràng điều này.
Nguyên nhân xa người ta còn có thể nói đó là chiến lược đánh cộng sản của Hoa kỳ và những nước tự do. Thêm vào đó có cuộc chạy đua vũ trang không tiền khóang hậu giữa Hoa Kỳ và Liên sô, làm cho nước này lâm vào cảnh chạy đua tiêu tiền giữa một người giàu và một người nghèo, giữa một anh lực sỹ có sức và một anh thiếu sức. Đấy là chưa nói đến việc Hoa Kỳ khai thác tối đa việc tranh chấp giữa cộng sản Tàu và cộng sản Liên sô. Trong thời gian Chiến tranh Lạnh, Liên Sô tiêu vào khoảng 2 000 tỷ $ cho việc vũ trang, trong đó có 800 tỷ$ tiêu về việc tranh chấp với Trung Cộng.
Gorbatchev chỉ là một nguyên nhân trong nhiều nguyên nhân khác, một người trong nhiều người khác đã làm sụp đổ cộng sản Liên sô, trong đó phải kể đến những sinh viên, học sinh, trí thức như nhà bác học Sakharov, họ đã không chịu dạy và không thèm học những giờ về lý thuyết cộng sản.
Tại những nước Đông Âu, chế độ độc tài cộng sản sụp đổ không phải do người cộng sản, mà do những người khác cộng sản, chống cộng sản, như ở Tiệp là do Khối Hiến chương 77, dẫn đầu bởi nhà viết kịch Vaclas Havel ; ở Ba Lan là do thợ thuyền, lãnh đạo bởi một anh thợ điện Lec Walecsa, đứng sau là trí thức, sinh viên, học sinh, tiêu biểu là ông Gerémek cùng nhiều người khác. Nếu nói xa là Đức Giáo Hoàng người Ba Lan, Jean Paul 2 và ông Tổng Thống Reagan.
Ngay ngày hôm nay, chúng ta xét những sự sụp đổ của những chế độ độc tài hữu đang xẩy ra ở Bắc Phi và Trung Đông, chúng ta thấy cũng không phải người của chế độ giật sập chế độ, mà chính cũng là người dân phẫn uất đứng lên, như anh sinh viên, bán hàng rong Mohamed Abouzizi, ở Tunisie ; và anh Wael Ghonim, một tư chức, ở Ai Cập.
Vì vậy câu : « Chỉ có người cộng sản mới có thể giật sập cộng sản « hay « Chỉ có người của chế độ mới có thể giật sập chế độ « , câu này mới nghe thì thấy hữu lý, nhưng xét sâu, thì trở nên ép đoán, võ đoán; nhất là khi nó được phát ngôn ra như một định lý, hơn thế nữa một định đề.
I I ) Lo việc hậu cộng sản quan trọng hơn là lo giật sập cộng sản ?
Câu : « Chỉ có người cộng sản mới có thể giật sập cộng sản « , còn đước tiếp theo câu : « Việc giật sập cộng sản là việc dễ. Việc khó, đó là việc hậu cộng sản. »
Ở đây tôi không nói là không lo đến việc hậu cộng sản. Tuy nhiên nếu phải đặt ưu tiên, thì ưu tiên vẫn là việc giật sập cộng sản trước tiên. Và bàn nhiều đến « Hậu cộng sản « đưa chúng ta lâm vào hoàn cảnh « Bàn chia thịt Rồng, trước khi giết được Rồng «, nhiều khi sinh ra chia chác không đều trên lý thuyết, cắn quái lẫn nhau, quên việc giết Rồng. Hơn thế nữa, công việc giật sập chế độ cộng sản không phải là một công việc dễ. Người nói câu này không có gì để chứng minh, không ý thức rõ vấn đề. Thực tế đang chứng minh rất rõ ở Bắc Phi và Trung Đông, việc giật sập những chế độ độc tài hữu như ở Tunisie, Ai Cập, Lybie, độc tài cá nhân hay gia đình hoặc gia tộc, nó còn đỡ ác ôn, côn đồ, gian manh, quỷ quyệt gấp cả trăm lần độc tài tả cộng sản. Tuy nhiên những người đấu tranh cho tự do, dân chủ ở những nước trên phải vắt óc, moi gan tìm phương , tính kế, đang hy sinh xương máu, giật từng tấc đất một, như hiện ở Lybie. » Hậu cộng sản quan trọng hơn giật sập cộng sản « , ở đây tôi không chủ trương không lo đến việc hậu cộng sản. Tuy nhiên, nếu phải lấy ưu tiên, thì tôi xin nhắc lại, việc giật sập cộng sản vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Đấy là chưa nói đến việc rất có thể những người cộng sản đưa ra luận điệu này, để đánh lạc hướng những người quốc gia, mà nhiều người vô tình mắc phải. Ngay cả những người như K. Marx, Lénine, Mao, Hồ chủ chương giật sập tư bản, nhưng đâu là « Hậu tư bản «, của họ. Ngay cả Marx, lý thuyết gia cộng sản, nhưng người ta biết rằng Marx chỉ giỏi về chỉ trích tư bản, phần xây dựng hậu tư bản, gần như không có, ngoài câu chính : « Người cộng sản có thể thâu tóm lý thuyết của mình qua một câu duy nhất : Bãi bỏ quyền tư hữu « ( K. Marx – Manifeste du Parti communiste – trang 43 – Edition www. Librio.net – 2005), mà chúng ta đã nói đến sai lầm ở trên.
Quan sát những nước Bắc Phi, Trung Đông, vừa xẩy ra cách mạng và đang xẩy ra, chúng ta thấy gì ?
Những người làm cách mạng họ đặt ưu tiên cho việc thực hiện cách mạng nhiều hơn là hậu cách mạng. Như ở Tunisie, Ai Cập, và một phần phía đông của Lybie, sau khi cách mạng thành công, người dân tự động lo vệ sinh, quét dọn, xây lại những bức tường đã bị đổ nát, tự thành lập đội duy trì an ninh lối xóm ; và hơn thế nữa, như việc khó khăn là làm thế nào để sửa đổi hay thay thế hiến pháp, thì có những nhà giáo sư, luật học, tự nguyện qui tụ dân, hướng dẫn và bàn về việc này, cùng nhiều việc khác.
Công cuộc đấu tranh cho quê hương, dân tộc ngày hôm nay bắt buộc phải đi qua cửa ngõ giật sập chế độ độc tài cộng sản. Đây là điều kiện tiên quyết, sau đó mới có thể tính được chuyện hậu cộng sản, tức là chuyện độc lập cứu quốc và dân chủ kiến quốc. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không tính đến 2 việc này bây giờ ; nhưng nếu phải đặt ưu tiên, thì việc giật sập cộng sản là ưu tiên hàng đầu.
Nếu nhìn một cách khác, theo kiểu điều kiện khách quan và chủ quan hay theo kiểu thiên thời, địa lợi, nhân hòa, thì yếu tố khách quan, hay thiên thời địa lợi của một cuộc cách mạng cho Việt Nam đã quá hội đủ. Đó là lòng dân đã quá chán ngán, phẩn uất chế độ, chúng ta chỉ cần so sánh tình trạng đàn áp, tham nhũng hối lộ, mức sống giữa Việt Nam và Tunisie, Ai cập, thì chúng ta thấy dân Việt Nam cơ cực hơn nhiều ; thêm vào quốc tế, mặc dầu có những liên hệ thương mại, nhưng nhìn giới lãnh đạo Việt Nam với con mắt khinh bỉ, điển hình là những sự kiện gần đây : Hai người cố vấn Tòa Đại sứ Hoa kỳ và Úc đến thăm Linh mục Nguyễn văn Lý và Hòa Thượng Thích Quảng Độ bị hành hung bởi công an cộng sản, họ muốn nói với dân Việt Nam và chứng tỏ với thế giới rằng chế độ này là một chế độ công an trị. Thêm vào đó có vụ Toà Đại sứ Thụy diển đóng cửa ở Việt Nam, dọn sang Căm Bốt. Chúng ta nên nhớ Thụy Điển là nước giúp đỡ cộng sản Việt Nam rất nhiều trong những năm 60, 70, không vụ lợi. Chính Thủ tướng Thụy Điển Olafl Palm vào những năm 60 đã tham gia những cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Điều kiện chủ quan hay nhân hòa, đây là nói về phía những người chủ trương cách mạng, thì điều kiện này còn thiếu. Phía chủ trương cách mạng và những người chống cộng, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, chưa đủ lòng tin nơi chính mình và nơi người khác, quá nghi ngờ lẫn nhau, không đủ tổ chức và kế hoặch, có danh mà không có thực, thêm vào đó lại dễ bị lay chuyển bởi tuyên truyền gian manh, quỉ quyệt của cộng sản, cố tình đổi trắng thay đen, qua chính sách huyễn dụ, lường gạt và khủng bố, ở quốc nội cũng như ở hải ngoại.
Chính vì vậy mà những khó khăn của yếu tố chủ quan hay nhân hòa cần phải được khắc phục. Và chỉ có như vậy chúng ta mới có thể khai thác được những sự chia rẽ càng ngày càng trầm trọng trong nội tình đảng cộng sản Việt Nam hiện nay ; vì họ hiện đang đứng trước một sự lựa chọn có tính cách sống còn : Theo Tây phương hay theo Trung cộng. Điều này đã rõ nét ngay từ Đại Hội 9 của đảng cộng sản Việt Nam, theo đó ngay những người trong trung ương đã bàn tán về thái độ chính trị ngoại giao qua 2 câu nói : 1) Theo Trung cộng thì còn đảng, nhưng mất nước, 2) Theo tây phương thì còn nước nhưng mất đảng. Đảng cộng sản Việt Nam cố theo chính sách đu dây, như trước kia giữa Trung Cộng và Liên Sô. Nhưng ngày hôm nay Trung Cộng và Hoa Kỳ không cho phép cộng sản Việt Nam thực hiện chính sách này.
Công cuộc đấu tranh lật độ độc tài cộng sản hiên nay là một cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện và toàn cầu, từ lý thuyết đến thực hành. Bẻ gãy từng luận điệu cộng sản một, vạch rõ những âm mưu tuyên truyền cộng sản để lừa bịp người quốc gia chống cộng, từng điểm một; kêu gọi người dân hãy can đảm đứng lên đấu tranh, vì bất cứ cuộc cứu rỗi nào cũng bắt đầu bằng cuộc tự cứu ; và đồng thời tự mình sửa sai, tu bổ nội bộ, từ lý thuyết, lý luận, đến thực tế, tạo dựng niềm tin nơi chính mình, nơi người khác, để đi đến tổ chức thực sự, có kế hoặch, có sửa soạn, có chiến thuật, chiến lược, chứ không phải là đấu tranh tuỳ hứng, có nhiệt tình, nhưng thiếu tổ chức, thiếu kế hoặch chỉ đưa đến vô hiệu quả.
Cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ nhân quyền Việt Nam sớm muộn sẽ thành công, vì cộng sản hiện nay đang đi ngược chiều tiến bộ của văn minh nhân loại, đi ngược lòng dân, mặc dầu nó còn có rất nhiều khó khăn : Khó khăn đến từ bên ngoài cũng như khó khăn nội bộ. Dân Viêt hãy can đảm và kiên trì khắc phục khó khăn và tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng độc lập cứu quốc và dân chủ kiến quốc, đầy chính nghĩa và lý tưởng của mình. (1)
Paris ngày 01/04/2011
Chu Chỉ Nam
(1) Xin Qui Vi coi thêm những bài về cách mang, trên http://perso.orange.fr/chuchinam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét