Trong hợp tuyển thơ-nhạc-họa-ảnh nghệ thuật "Quốc Học trường tôi" , do nhà xuất bản Thuận Hóa (Huế) ấn hành năm 1996 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường Quốc Học Huế (1896-1996), thấy có trưng dẫn 100 bài thơ gồm nhiều thể loại của 100 tác giả (vốn là những người được xem như có liên hệ ít nhiều với trường, hoặc giảng dạy hoặc theo học trong một thời gian dài hay ngắn).
Ở hợp tuyển này có một nghi vấn cần được giải minh liên quan đến bài thơ nhan đề "Tầm hữu vị ngộ" (tt72,73) mà nhóm chủ trương thực hiện ghi nhận là của Hồ chí Minh, có cả chữ ký của tác giả (tức ông Hồ) ở cuối bài, có phần dịch nghĩa và dịch thơ (dịch giả là Ðăng Thao) và phần chú dẫn dựa theo tạp chí Thế Giới Mới số 2-1990.
Vấn đề được nêu ra nơi đây là "Có phải thật chính ông Hồ chí Minh đã sáng tác bài thơ này hay không ?" .
Thơ nguyên tác bằng chữ Hán , được phiên âm như sau :
Tầm hữu vị ngộ
Bách lý tầm quân , vị ngộ quân ,
Mã đề đạp toán lĩnh đầu vân .
Qui lai, ngẫu ngộ sơn mai thụ ,
Mỗi đóa hoàng hoa, nhất điểm xuân .
Ðây là một bài thơ viết theo thể cổ thi luật Ðường "thất ngôn tứ tuyệt", có niêm luật, âm vận rất chỉnh, là một bài thơ hay lại viết bằng ngoại ngữ. (Nhà văn cộng sản kỳ cựu Ðặng Thái Mai có lần hoài nghi "không thể không lấy làm lạ là Bác đã viết thơ chữ Hán") . Thơ ông Hồ, xét dựa theo phẩm chất một số bài khác được ghi nhận là của ông, thật khó đạt được mức điêu luyện này . Ở thơ ông, người ta thường thấy có ít nhiều trục trặc về âm điệu, khó có thể ngâm lên nghe cho êm thuận , chẳng hạn :
Nước ta ở về xứ nóng khí hậu tốt ,
Rừng vàng biển bạc đất phì nhiêu ... (1)
Những từ ngữ được ông dùng trong thơ thường cũng đơn giản, mộc mạc nhiều khi theo lối "vè" có vẻ rất "bình dân" , như :
Diên Hồng thề trước thánh minh ,
Lòng dân đã quyết hy sinh rành rành .
Nếu ai muốn đến giành đất Việt
Ðưa dân ta ra giết sạch trơn
Một người Việt hãy đang còn
Thì non sông Việt vẫn non sông nhà . (2) hoặc :
Ba bốn năm trời luống nhớ thương
Nhớ chàng lưu lạc tại tha hương
Tóc thề đã chấm ngang vai thiếp
Lụy nhớ e chưa ráo mắt chàng
Thù nước thù nhà chàng gắng trả
Việc nhà việc cửa thiếp xin đương ... (3)
hoặc :
Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường
Hiên ngang dàn trận khắp trong phường
Bác khen các cháu dân quân gái
Ðánh giặc Huê Kỳ phải nát xương (4)
Xét về nội dung, bài thơ " Tầm hữu vị ngộ "này thể hiện một tư tưởng phóng khoáng, lãng mạn, trữ tình với thi tứ dạt dào, lai láng ... mang nặng tính " vị nghệ thuật " không mảy may vương nhiễm chất " văn nghệ tuyên truyền ", vốn là đòi hỏi tất yếu để đáp ứng nhu cầu về đấu tranh tư tưởng của người cộng sản . Với ông Hồ, văn nghệ phải có tính "vị chính trị" (mà giới văn nghệ sĩ cộng sản mỹ hóa bằng nhóm chữ "vị nhân sinh") , nghĩa là phải đáp ứng đòi hỏi phục vụ chủ thuyết vô sản , cổ võ thế giới đại đồng :
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dắt năm châu đến đại đồng ... (5)
hoặc phải đề cao tình đoàn kết thắm thiết keo sơn của khối Xã hội chủ nghĩa :
Nhân dân dũng cảm và cần kiệm
Các nước anh em giúp đỡ nhiều (1)
hoặc mang nặng tính sách động, hô hào sắt máu :
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên ! toàn thắng ắt về ta . (Mừng xuân 1968)
Tóm lại , bài thơ " Tầm hữu vị ngộ " xét về hình thức lẫn nội dung không phù hợp với thi cách lẫn khuynh hướng của ông Hồ nói riêng và người cộng sản nói chung .
Dưới các phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ còn có phần chú dẫn như sau :
"Bài thơ này mới được phát hiện. Ðược biết, Hồ chủ-tịch viết bài thơ vào mùa xuân 1954 khi người đến thăm bạn – một vị tướng "chiến hữu" trong những ngày mở màn chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ . Ðó là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, một tài năng lớn về quân sự, vốn cũng từng xuất thân từ trường Quốc học-Huế (Theo tạp chí Thế Giới Mới số 2-1990)"
Với lời chú thích ngộ nghĩnh này, không biết người ta muốn bốc thơm ca tụng hay là muốn chơi khăm ông Hồ đây ? Nếu là để ca tụng thì lối ca tụng này quá vụng về, để lộ rất nhiều sơ hở . Còn nếu để chơi khăm thì đây quả là một cú chơi thâm và ác . Một mai khi thần tượng "Bác" bị sụp đổ như thần tượng Staline thì giai thoại thơ này sẽ được phổ biến rộng rãi để mọi người có thêm một chuyện cười lúc trà dư tửu hậu .
Bảo rằng bài thơ được ông Hồ viết vào mùa xuân 1954 và mới được phát hiện quả thật là chuyện khôi hài . Vào đầu thập niên 30 , khi ông Hồ bị nhà cầm quyền Anh ở Hong Kong bắt nhốt và vào đầu thập niên 40 , bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ ở tỉnh Quảng Tây , chung quanh ông không có thuộc hạ thân tín mà chỉ có những cai tù người Anh hay người Trung Hoa Quốc Dân Ðảng , thế mà những bài thơ do các tù nhân Trung Hoa viết lên vách ngục hay trên giấy thảo hoặc chỉ truyền miệng đều được cho là do ông sáng tác , ma øcó dư luận quả quyết rằng tác giả thực sự vốn là tù nhân khác (xem "Hồ Chí Minh không phải là tác giả Ngục Trung Nhật Ký" của Lê Hữu Mục, Văn Bút Việt Nam Hải ngoại xuất bản 1990) đều được góp nhặt, ghi chép, phiên dịch toàn bộ vào những năm 1959,1960 đưa vào trong một tập thơ nhan đề " Nhật ký trong tù " tức "Ngục trung nhật ký", để đem phổ biến khắp nơi . Ðằng này , năm 1954 là một thời điểm hết sức quan trọng của cuộc chiến , lúc đó ông Hồ đã là một lãnh tụ cộng sản cao giá , hễ ông đi đâu hay ông làm gì bên cạnh ông đều phải có nhiều cán bộ thủ túc theo sát để bảo vệ, để nhận lệnh, để ghi chép thành tích của ông thì tại sao một bài thơ được ông sáng tác hay ho đến thế mà không người nào ghi chép , lưu giữ , đến nỗi phải bị thất lạc , mãi tới năm 1990 (36 năm sau) mới được tạp chí Thế Giới Mới phát giác và công bố ?
Giai đoạn mở đầu chiến dịch Ðiện Biên Phủ , tình hình cực kỳ căng thẳng , hai phe đối đầu không những chỉ tranh thắng bại trên chiến trường lửa đạn mà còn kèn cựa hơn thua nhau trên các mặt trận ngoại giao, tuyên truyền..., còn rình rập nhau về mặt gián điệp tình báo... Liệu lúc đó lãnh tụ cầm đầu một phe như ông Hồ lại dám bất cẩn khơi khơi cỡi ngựa đi thăm bạn, không e ngại trở thành mục tiêu của máy bay địch hay làm mồi cho biệt kích tình báo địch hay sao ? Vào thời điểm này , bộ đội cộng sản mỗi khi chuyển quân, tiếp vận đều phải ngụy trang kỹ , lắm lúc chỉ di chuyển ban đêm ẩn núp ban ngày , lẽ nào các cán bộ lớn nhỏ của "Ðảng" lại tĩnh bơ để "Bác" của họ thong dong cỡi ngựa đi trăm dặm thăm bạn và tìm thi hứng ! Giữa lúc tình hình đang đi vào giai đoạn gay cấn về mọi mặt , ông Hồ là người đứng đầu một phe phải bận lo nghĩ trăm bề , làm sao có thể thảnh thơi nhàn hạ đi tìm thăm bạn !
Ông Hồ là lãnh tụ , là chúa còn ông Giáp là cán bộ, là bề tôi. Ông Giáp lúc đó đang điều binh khiển tướng nghĩa là đang thi hành quân vụ , ông Hồ đi thăm ông Giáp tức là đi thị sát mặt trận , theo lẽ và theo luật ông Giáp có nhiệm vụ phải nghênh đón , phải tích cực bố trí an ninh tối đa cẩn mật để bảo vệ ông Hồ , phải lo trình diện để phúc trình , báo cáo , nhận chỉ thị... đâu lại dám vắng mặt khơi khơi , khiến cho ông Hồ đành thong dong rong vó ngựa ra về một cách thảnh thơi để mà thơ thẩn ngắm nhìn hoa lá rồi tức cảnh làm thơ ! Và, phải chăng ông Hồ ra về cô đơn lẻ loi một mình nên tuyệt tác "Tầm hữu vị ngộ" không có ai ghi chép, bảo quản đến nỗi bị thất lạc, mãi tới 36 năm sau mới được phát hiện mà cũng chẳng thấy nói rõ được phát hiện cách nào , ở nơi đâu và vào cơ hội nào ?
Ðối với ông Hồ , ông Giáp chỉ là một thuộc cấp phụ trách mặt quân sự thường được ông gọi bằng chú tức "chú em", không phải là bằng hữu ngang vai vế để ông Hồ cần phải "bách lý tầm quân" . Trong hệ thống cộng sản đẳng cấp được phân định rõ ràng , làm gì có chuyện "chú Giáp" ngang vai vế với "bác Hồ" , "chú" chỉ là một đồng chí thuộc cấp của "bác" mà thôi .
Bình sinh ông Hồ là người rất tự tôn , đôi khi kiêu ngạo dám tự xem mình như đồng trang lứa với tiền nhân một các khiếm lễ . Cứ tính trung bình một thế kỷ có ba thế hệ thì Ðức Thánh Trần (thế kỷ XIII) ít lắm phải cùng thời với cụ tổ mười tám đời trước của ông Hồ , thế mà ông ấy dám nghênh ngang xưng hô với Ngài bằng bác tôi , tôi bác :
Bác anh hùng , tôi cũng anh hùng
Cũng bậc râu mày , cũng kiếm cung .
Bác đuổi quân Nguyên vung kiếm bạc ,
Tôi trừ giặc Pháp phất cờ hồng ... (5)
Vậy thì nói chi tới Võ nguyên Giáp , làm sao có được ví trí bình đẳng với ông Hồ đến độ ông ấy phải "tầm quân vị ngộ quân".
Thông thường sau khi hoàn tất một bài thơ , tác giả ghi bút hiệu hay tên thật ở dưới , đôi khi có chua thêm ngày tháng và nơi sáng tác . Chỉ khi nào làm thơ tặng ai mới có lời đề tặng và chữ ký . Trường hợp nếu ông Hồ vì thận trọng , lo ngại có kẻ khác sang đoạt thơ của mình nên cẩn thận ký tên để bảo chứng tác quyền thì ông chỉ có thể ký ở nguyên bản sau khi hoàn tất, ông cũng có thể ký ở các bản sao chép lại nhưng chỉ trong thời gian ông còn tại thế mà thôi . Ðằng này trong hợp tuyển "Quốc Học trường tôi" ,bài thơ "Tầm hữu vị ngộ" ở các trang 72,73 rõ ràng được trình bày thực hiện ấn loát cùng một lúc với 99 bài thơ khác , có cùng y một loại chữ , một cỡ chữ, một kiểu phối trí nghĩa là tất cả cùng đều được thực hiện vào năm ấn hành 1996 thì làm sao ông Hồ có thể cầm bút tự tay ký tên mình vào cuối trang thơ khi ông đã qua đời từ năm 1969 . Rõ ràng có bàn tay của một kẻ khác đã lá lay ký giùm "bác" hoặc cắt xén chữ ký của "bác" từ một tài liệu nào đó (chẳng hạn một huân chương , một bức ảnh , một chỉ thị...) đem ráp ghép vào dưới bài thơ, nghĩ rằng như thế là có thể giúp "bác" phần nào trong việc hợp thức hóa ngôi vị "danh nhân văn hóa".
Ðây là một nghi án về thi ca mà những ai yêu chuộng lẽ phải và sự thật cần phải lên tiếng hầu ngăn chận tình trạng "đem râu ông nọ cắm cầm bà kia" trong lĩnh vực văn học .
Ðể câu chuyện được sáng tỏ, để biết ai thực sự là tác giả của bài thơ trên (mà nhất định không phải là ông Hồ) , rất mong được sự tiếp tay của mọi giới thức giả , nhất là những vị đang có trong tay những tài liệu bằng chứng liên hệ .
Chú thích:
(1)-Sổ tay văn hóa Việt Nam , Phần I-Ðất nước và con người , trang 9 . Trương Chính và Ðặng đức Siêu soạn , Nhà Xuất Bản Văn Hóa Hà Nội 1978 .
Thơ không có đầu đe à, chỉ thấy tài liệu ghi "Hồ Chủ Tịch có bốn câu thơ " .
(2)-Nghĩ cạnh dòng thơ của Chế Lan Viên , tr 174 , Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội , 1981. Theo tài liệu này , ông Hồ viết bài thơ năm 1927, dưới bí danh Thầu Chin ở Xiêm .
(3)-Nghĩ cạnh dòng thơ của Chế Lan Viên , tr 175, Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội , 1981. Theo tài liệu này năm 1940 " bài thơ ấy ông Trần-tên Bác lúc bấy giờ-làm theo lời vợ đồng chí Trịnh Ðông Hải gửi cho chồng làm công nhân ở Vân Nam ".
(4)-Người xa Huế , nhiều tác giả, tr 22 (bài viết : Nguyễn Tuân với Huế của Ðoàn Minh Tuấn), Nhà Xuất Bản Trẻ, 1999 .
(5)-Ngẫu hứng vào dịp viếng đền thờ Ðức Thánh Trần, khoảng đầu thập niên 50.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét