Cha mới lên ngôi giáo hoàng mấy ngày mà
chúng con thấy nhột quá. Báo đài càng khen cha nhiều chừng nào, chúng
con càng nhột chừng đó. Chúng con không thể nào bịt miệng được báo
đài. Chúng vớ được đức tính lạ, chúng ra rả suốt và dù một người có
đui điếc thế nào, cứ nghe, cứ đọc bài vở về cha thì họ không thể nào
không so sánh chúng con. Này nhé:
Cha đi xe buýt, chúng con đi xe hơi xịn. Quận lỵ chúng con không có đường xá tốt để đi, chỉ cần đi xe hai bánh là được rồi, nhưng chúng con cũng thượng lên xe 4 bánh, lại còn thích mua xe Đức. Chưa mua được xe Đức lòng còn ấm ức. Khi xuống xe, lại có người chạy nhanh xuống mở cửa. Chúng con chẳng mắc cở gì cha ạ. Kệ, giáo dân cày bừa thì đó là việc của họ, chúng con lo việc trên trời!
Cha ở nhà tầm thường, chúng con ở nhà cao cửa rộng. Khi mới chịu chức, mới đi xứ, việc đầu tiên là chúng con xây nhà thờ, nhà xứ. Của đáng tội, giáo dân thương chúng con lắm, chúng con chỉ cần đăng đàn khơi lên niềm tự hào có một giáo xứ đẹp là bổn đạo người giúp công, người giúp của, chúng con có cơ ngơi tốt đẹp. Kệ, có thực mới vực được đạo. Chúng con khổ cực lâu rồi.
Cha tự nấu ăn, chắc cha có nhiều nữ tính, đàn ông chúng con không ai vào nhà bếp. Bà bếp phải thay đổi món thường xuyên mà cha ơi, không nói, các bà giáo hữu cũng tự động đến nấu. Đồ ăn chúng con ăn không hết. Chúng con chưa có văn hóa từ chối. Cha trốn các bữa tiệc linh đình, dùng thì giờ đó để đi thăm giáo dân nghèo. Còn chúng con... ai quên mời là khốn cho họ!
Cha ngồi ở hàng cuối, khi nào đi họp chúng con cũng ngồi theo phẩm trật. Quen rồi cha ạ! Thói quen làm nên cá tính. Con đứng hạng nhất trong giáo xứ thì phản xạ tự nhiên của con là lên ghế nhất. Xuống ngồi hàng dưới là phản đổi cả một phong cách sống... Khó quá cha ơi! Ngựa theo đường cũ! Với lại thói quen này không có trong bản chất. Bây giờ mà con giả bộ xuống ngồi hàng cuối, chính con cũng cảm thấy lúng túng.
Cha tự làm lấy hết các công việc. Tự điện thoại (không nhờ thư ký) đến văn phòng cha giám tỉnh để chào cha giám tỉnh. Chúng con có thư ký làm hết. Với lại nhiều khi chúng con cũng không nghĩ đến chuyện chào thuộc cấp, họ phải đến chào mình trước.
Không phí phạm, cha dặn em ruột của cha ở nhà, đừng qua Rome dự lễ lên ngôi của cha, cha dặn các giáo hữu Á Căn Đinh đừng qua Rome , để dành tiền đó cho người nghèo. Chúng con gởi giấy mời khắp xứ, khắp tỉnh hết cha ơi. Ai không đi dự là chúng con vô sổ đen. Chờ đó... Rồi thì thuộc hạ chúng con làm việc rất sáng tạo, họ nghĩ đủ cách làm vui lòng khách đến, làm vừa lòng khách coi. Lắm lúc chúng con cũng bắt chước vua Tàu, mình ngồi trên ngai chễm chệ xem bọn con nít múa. 10 năm, 25 năm, 50 năm... một đời một lần, không làm thì còn dịp nào để làm? Tốn kém là chuyện nhỏ cha ạ. Chúa Giêsu cũng có nói người nghèo thì lúc nào cũng còn đó... Còn vuột dịp 25 năm uổng lắm cha ạ! Giáo xứ kia còn làm hoành tráng hơn con nữa đó. Với lại con cũng không biết có sống thêm 25 năm nữa để làm 50 năm không. Cha thông cảm nhé.
Cha tự trả tiền phòng. Chuyện lạ với chúng con! Các đại gia trong giáo xứ dành làm hết mấy chuyện này, không có đại gia thì trung gia, không trung gia cũng tiểu gia. Chúng con quen rồi, gần như không bao giờ xuất tiền riêng để chi vào một việc gì hết. Chuyện này không có trong văn hóa tiêu pha của chúng con. Đi ăn, đổ xăng, mua thuốc lá, mua rượu, mua đồ lặt vặt... trừ khi chúng con đi một mình; một khi chúng con đi chung với người thứ hai thì không bao giờ chúng con móc ví hết. Tụi chúng con tối thiểu một người cũng có vài điện thoại cầm tay, vài iPod... Không nhận giáo dân cũng dí vào tay, cái này đời mới hơn này, cái này nhiều chức năng hơn nè... Con mà dùng quà của ai thì người đó hân hạnh, mừng lắm lắm, từ chối sao đành. Chúng con lại nghĩ từ chối là chạm đến đức ái.
Cha có óc hài hước. Hài hước là đặc nét của người có óc thông minh cao độ. Không dễ cha ơi! Con không được thông minh, con không dám cười trước người khác. Lâu dần không cười thì thành nghiêm, đừng ai giỡn trước mặt con. Cha ơi, chúng con có những người không nhếch được một nụ cười, đến mức giáo dân thầm thì sau lưng, ai bắt cha đó đi tu mà trông khổ ải thế. Chẳng ai hết nhưng chúng con không vượt lên được số phận, bởi vì chúng con nghĩ số phận bắt mình đi tu!
Có một chuyện con chưa hiểu cha ạ. Khi vào y khoa, phải thi tuyển rất khó, phải là những người rất giỏi mới đậu; nhưng khi ra hành nghề, tìm một bác sĩ giỏi rất khó cha ạ. Muốn vào chủng viện cũng phải có một trình độ thông minh, thánh thiện trên trung bình nào đó, nhưng khi ra làm cha, tìm một cha giỏi và thánh thiện thì cũng khó như Diogène đốt đuốc ban ngày đi tìm người. Vì sao cha vẫn giữ thông minh và thánh thiện lâu như vậy, đó là câu hỏi mà khi có dịp con sẽ hỏi cha. Con biết cha sẽ trả lời cha dùng thông minh thánh thiện của quả tim. Nhưng chúng con, chúng con cũng có những người có quả tim tốt vậy mà sao giáo dân than phiền rằng họ không có được một mục tử thánh thiện.
Cha đơn giản, chúng con rắc rối cầu kỳ. Chúng con vừa chịu chức là bố mẹ chúng con - dù còn trẻ - đã vội lên chức ông cố, bà cố và họ thích lắm vì được vị vọng, được nhiều bổng lộc. Chính chúng con cũng chưa hiểu vì sao có văn hóa lên chức cố như vậy. Cha là linh mục chứ cha có phải là cha gia đình đâu mà cha mẹ lên chức ông bà cố có cháu, có chắt.
Cứ mỗi lần cha đi ra ngoài, gặp gỡ ai đó là mỗi lần cha tạo một sự kiện mới. Hôm thứ bảy 16-03-2013, cha đi gặp 3000 ký giả, ngay lập tức họ khen cha là bậc thầy của truyền thông. Được ký giả Tây phương khen không phải dễ. Họ không có văn hóa nhận phong bì. Họ là những người bỏ lên bàn cân cân từng chữ trước khi hạ bút và họ khen ngay “cha đã tìm đúng chữ để nói chuyện với ký giả.”
- Từ khi Đức Giáo hoàng Bênêđitô từ chức, các bạn có nhiều việc để làm hen, tôi cám ơn các bạn đã làm việc rất chuyên nghiệp.
Xong! Thu được cảm tình rồi (biết nghĩ đến người khác trước...)! Sau 15 phút nói chuyện, cha được 3000 ký giả vỗ tay “Đức giáo hoàng muôn năm! Viva il papa!” đúng kiểu các buổi hòa nhạc rock!
Được con cái thương rồi, cha như người cha nhắn nhủ con: “Nhớ nhé, chú ý đến sự thật, đến cái thiện, đến cái đẹp nhé. Chính lúc đó, lúc con cái đã lắng nghe, cha mới kể chuyện mật viện và lựa chọn tên Phanxicô: “Khi tình thế trở nên nguy hiểm vì số phiếu sắp đến bờ. Đến khi nguy hiểm thật sự, bạn thân của tôi là Hồng y người Brasil, cha Hummes, ngài ngồi bên cạnh ôm tôi thật lâu để nâng đỡ tôi: “Đừng quên người nghèo nghe”, tôi nghĩ ngay đến Phanxicô Át-xi-di, đến chiến tranh. Phanxicô là nghệ nhân của hòa bình. Và cái tên Phanxicô đến ngay trong quả tim tôi.” Và thế là cả phòng xúc động ngay lập tức.
Có hơn 3000 ký giả nhưng chỉ có hơn một trăm ký giả bốc thăm trúng để lên chào cha. Ai có vẻ như muốn quỳ gối là cha đỡ lên ngay, và cũng tỏ ra không muốn để bị hôn nhẫn.
Trọng kính cha, chúng con biết chúng con để cả đời cũng không học xong gương của cha. Xin cha ôm chúng con vào lòng, cầu nguyện cho chúng con.
De Mateo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét