Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Khi đồng tiền tháo chạy

Nguyễn-Xuân Nghĩa
Mã đáo thành công (Nguyễn Hoàng Nam)

Tết con Ngựa chưa qua là thiên hạ đã bị tréo giò: Các thị trường chứng khoán rơi rụng như lá thu.....

Báo chí lơ đãng nói rằng Mùng Bốn Tết Ta, bà Janet Yellen tuyên thệ nhậm chức Chủ Tịch Hệ Thống Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ, khi vị tiền nhiệm là Ben Bernanke khăn áo vào viện nghiên cứu Brookings làm học giả. Từ bên ngoài, các nước khác thì theo dõi xem thống đốc mới tại Hoa Kỳ sẽ đạp thắng hay tống ga thế nào để cỗ xe của họ ở nhà khỏi bị lật!

***

Hãy nói về Hoa Kỳ trước.

Sáng Mùng Bốn, thị trường Giáp Ngọ tại Mỹ vừa mở bát là tơi tả như đội Denver trong trận Super Bowl hôm trước. Chỉ vì một con số thống kê.

Chỉ số ISM của viện quản lý tiếp liệu Institute of Supply Management tại Tempe, Arizona, vẫn khảo sát đơn đặt hàng của doanh nghiệp để đoán trước sinh hoạt chế biến trong tương lai. Cao hơn số 50 là chỉ dấu lạc quan, thấp hơn hoặc gần mức đó là dấu hiệu bi quan. Ða số giới nghiên cứu đều dự đoán là từ mức 56,5 của tháng trước, chỉ số ISM sẽ giảm chút đỉnh, tới số 56. Nào ngờ lại sụt mạnh đến mức 51,3. Vì vậy, cổ phiếu tại Mỹ đã rớt nặng. Tính từ đầu năm 2014, chỉ số S&P 500 khá tiêu biểu cho 500 công ty lớn nhỏ tại Mỹ đã mất 5%.

Nhưng với thiên hạ thì biết đâu chuyện mở màn năm Ngọ chẳng là màn Tái ông mất ngựa? Tái Ông Thất Mã có nghĩa là trong tin xấu lại có mầm hy vọng. Phải chăng tin xấu đó có thể khiến bà Thống đốc Janet Yellen sẽ bớt đạp thắng?

Thật ra, người lên lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ còn chú ý đến thống kê khác, về tình hình nhân dụng hay thất nghiệp. Ngày Thứ Sáu đầu tiên của tháng 1 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ sụt đến mức 6,7%, nhanh hơn mọi dự đoán. Thứ Sáu này mới nhức tim.

Mọi người đều biết là kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục mạnh hơn trước nên đoán là qua năm 2015 thì thất nghiệp có thể trở về mức 6,5%. Nào ngờ là vừa qua năm 2014 thì đã thấy con số 6,7% quá đẹp. Giới kinh tế gọi số thất nghiệp đó là U3, kết quả khảo sát các hộ gia đình xem có bao nhiêu người vẫn chưa có việc làm dù bảo là kiếm việc từ bốn tuần trước. Nhưng đấy là con số ảo, vì sự thật là có 92 triệu người đã nản chí bầu cua mà ra khỏi thị trường lao động. Nôm na là hết muốn kiếm việc nữa. Sự thật thì mức thất nghiệp tại Mỹ vào tháng 12 vừa qua, đo lường ở chỉ số U6, vẫn hơn 13%. Thống Ðốc Janet Yellen phải nhìn qua ngần ấy số liệu rắc rối và mâu thuẫn ấy để quyết định về chánh sách tiền tệ tại Mỹ. Và tin buồn đó là tin vui cho các thị trường trên thế giới nếu vì vậy mà bà Yellen sẽ bớt đạp thắng.

Chúng ta sẽ nhìn ra thế giới sau khi hiểu được chuyện kinh tế tại Mỹ.

***

Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế từ tháng 12 năm 2007 cho đến tháng 7 năm 2009. Sau đó kinh tế Mỹ vẫn chưa hồi phục mạnh và thất nghiệp đã tăng.

Quyết định kích thích kinh tế của Chính Quyền Barack Obama chỉ gây tăng bội chi ngân sách mà vô hiệu. Sau khi hạ lãi suất tới sàn, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ bèn ào ạt bơm tiền vào các ngân hàng qua biện pháp QE, tăng mức lưu hoạt có định lượng. Lần cuối là năm 2012, với mức định lượng là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la. Về kỹ thuật thì đó là mua vào công khố phiếu và bơm ra qua lối bút ghi một lượng tiền tương đương trong trương mục của các ngân hàng.

Qua ba đợt trong năm năm, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã bơm vào nền kinh tế hơn ba ngàn tỷ đô la theo phương thức bất thường này.

Ðồng tiền nó vốn có chân. Khi tràn ngập thị trường Mỹ với lãi suất quá rẻ thì nó chạy qua xứ khác để kiếm lời cao hơn. Nhờ vậy mà biện pháp kích thích tại Hoa Kỳ lại là liều thuốc bổ cho xứ khác. Các nước thu về một lượng tiền vĩ đại, đa số trút vào lãnh vực đầu tư tài chánh (trái phiếu dài hạn và chứng phiếu địa ốc có tài sản thế chấp) hơn là đầu tư trực tiếp (tức là để lập ra hãng xưởng sẽ chỉ hoạt động sau vài ba năm thành lập dự án sản xuất).

Tình trạng đó bắt đầu kết thúc năm ngoái khi Ngân Hàng Trung Ương Mỹ thông báo sẽ vuốt lại (tapering) chánh sách tiền tệ cho tinh tế hơn. Trước hết là sẽ giảm dần lượng tiền bơm ra, và nếu thất nghiệp trở lại mức 6,5% thì sẽ từ từ nâng lãi suất. Sau khi thông báo từ tháng 5 năm ngoái, Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ đã thực tế hành động, giảm 10 tỷ một tháng (từ 85 tỷ xuống 75 tỷ), rồi kể từ hôm Thứ Tư 29 Tháng Giêng giảm thêm 10 tỷ nữa.

Nếu tình hình kinh tế tiếp tục khả quan, trong kỳ họp đầu tiên với tư cách Chủ Tịch Hội Ðồng Dự Trữ Liên Bang, bà Yellen có thể quyết định đạp thắng nữa, tức là giảm thêm 10 tỷ. Viễn ảnh sau đó là có ngày nâng lãi suất căn bản ra khỏi mặt sàn.

Chính là những quyết định ấy tại Hoa Kỳ mới làm thị trường tài chánh của các nền kinh tế gọi là đang lên, emerging economies, bị chấn động nặng. Vì sao lại như vậy?

***

Nhìn từ kích thước của nước Mỹ, so với lượng tiền hơn ba ngàn tỷ được Ngân Hàng Trung Ương Mỹ bơm ra thì việc mỗi tháng rút về 10 tỷ chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng 10 tỷ đầu tiên lại cao hơn tổng số đầu tư tài chánh hàng tháng trút vào bảy thị trường Ấn Ðộ, Brazil, Chile, Indonesia, Thái Lan, Turkey và Ukraine; 10 tỷ sau thì bằng lượng tiền đổ vào hai xứ láng giềng bạn hàng số một của Mỹ là Canada và Mexico.

Nghĩa là một giọt máu đào của Mỹ bằng một ao huyết lệ của thiên hạ.

Từ nhiều năm qua, các nền kinh tế đang lên mà nhận tư bản nóng đều thấy mình khôn vì mượn đòn của Mỹ mà bẩy lên một mức lời cao hơn cho mình.

Nhưng khi đồng minh tháo chạy - xin lỗi, khi đồng tiền tháo chạy - mỗi nước lại vận hạn một cách.

Kinh tế nhập môn dạy là khi tiền Mỹ vào thì đồng bạc của mình lên giá thì hàng xuất cảng sẽ đắt hơn; ngược lại khi tiền Mỹ rút thì đồng bạc xuống giá và mức lời của nhà xuất cảng sẽ tăng. Nhưng các nước xuất cảng thương phẩm (nguyên nhiên vật liệu) mà thiếu nền móng chế biến vững bền thì sẽ bị động, trường hợp của Brazil, Colombia hay Peru. Các nước được tư bản hâm nóng mà tăng số tiêu thụ và đầu tư nội địa thì cũng lãnh hóa đơn nhập cảng cao hơn, trường hợp của Ấn Ðộ, Indonesia, Thái Lan hay Turkey. Các nước có thị trường tài chánh lỏng lẻo thì lãnh họa nặng nhất khi thủy triều tại Mỹ đảo chiều, nếu vay tiền ngắn hạn cho dự án đầu cơ dài hạn.

Ðó là trường hợp thừa giấy vẽ voi của Trung Quốc.

Các đấng con trời khôn ngoan vay đô la rẻ tại Mỹ, chuyển sang đồng Nguyên, có cái tên rất bịp là “Nhân dân tệ”, Renminbi, dưới nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp hay xuất cảng, để cho vay với lãi suất cao hơn. Phần sai biệt giữa hai lãi suất Hoa-Mỹ là mức lời bỏ túi. Càng vẽ vời càng có lời lớn. 

Nhưng thủy triều từ Mỹ vào đã che khuất nhiều vấn đề bên trong.

Nhờ định hướng của nhà nước với màu sắc Trung Hoa do chánh sách tín dụng còn hào phóng hơn Mỹ, Trung Quốc có sẵn sản phẩm nội hóa là nạn đầu cơ và cho vay ảo. Khi Hoa Kỳ điều chỉnh, thủy triều sẽ rút. Ðể lại đằng sau là những trái bóng bể, là các ngân hàng vỡ nợ dây chuyền, và sau cùng là nạn suy thoái kinh tế. Tuần qua, thế giới mới xanh xám mặt mày vì tin tức quá tệ của kinh tế Trung Quốc.

Vì vậy, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều sự lạ năm Ngọ. Quyết định về tiền tệ hay tín dụng của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tùy vào mức thất nghiệp hay lạm phát, hoặc những con số mơ hồ như ISM hay U3, U6 tại Hoa Kỳ. Nhưng hậu quả là lãnh đạo xứ khác không bị hàm chó thì cũng lãnh vó ngựa!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét